Ngày 1- 2/11/2018, Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) cùng phối hợp với Hiệp hội các Chuyên gia và Nhà khoa học Việt Nam (AVSE Global) tổ chức Hội thảo Những tiến bộ kỹ thuật biển (VSOE) với chủ đề “Năng lượng và địa kỹ thuật” dưới sự bảo trợ của Ủy ban kỹ thuật ISSMGE TC-308 và TC-209.
Đến tham dự hội thảo có: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Bà Cáit Moran – Đại sứ Ireland tại Việt Nam; PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD; ông Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đến từ Việt Nam và hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD chào mừng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các Bộ, Ban, Ngành, các vị đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đã quan tâm và đến tham dự hội thảo. PGS.TS Phạm Duy Hòa cho biết, đây là hội thảo đầu tiên tại Việt Nam về Những Tiến bộ trong Kỹ thuật Biển (VSOE) được tổ chức 2 năm một lần bởi Hiệp hội các Chuyên gia và Nhà Khoa học Việt Nam phối hợp với các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam. PGS.TS Phạm Duy Hòa hy vọng rằng, hội thảo sẽ là cơ hội cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp được thảo luận và phát triển các thay đổi về công nghệ và chính sách về năng lượng biển, cũng như tạo ra các cơ hội kinh doanh trong ngành kinh tế biển.
PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi hội thảo lần này của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mới đây ngày 22/10/2018, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá về các ngành kinh tế biển, bao gồm năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Cụ thể, Chính phủ đã xác định rõ ràng mục tiêu là đưa ra sự tái cấu trúc tư duy trong mô hình phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế biển nói riêng, mà trước đây chỉ tập trung vào vấn đề khai thác dầu khí, khoáng sản, tài nguyên biển, đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Ngành Du lịch gắn với duy trì, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên sẽ là ưu tiên số 1. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang hướng đến đạt được mục tiêu toàn cầu là với 1 triệu km2 bờ biển sẽ có ít nhất 10% trong đó là giữ gìn tài nguyên đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đặc hữu của Việt Nam và các giá trị đi kèm.
Cũng phát biểu tại Hội thảo, bà Cáit Moran – Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam cho biết, hiện nay Ireland đang hết sức quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng biển, đặc biệt vừa qua Chính phủ Ireland đã quyết định chi 22 tỷ đô la cho việc phát triển công nghệ bền vững trong vòng 10 năm tới, trong đó có nhiều công nghệ liên quan tới lĩnh vực công nghệ biển. Bà Cáit Moran gửi lời chúc mừng đến Trường ĐHXD và Hiệp hội các Nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo và bày tỏ niềm vui mừng khi thấy các chuyên gia của Ireland cũng có mặt trong hội thảo lần này. Bà Cáit Moran hy vọng rằng, trong tương lai sẽ được hợp tác với Việt Nam nhiều hơn nữa trong lĩnh vực khoa học công nghệ về vấn đề biến đổi khí hậu để có thể cùng nhau phát triển bền vững.
Bà Cáit Moran – Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 1 – 2/11/2018 với sự đóng góp của 85 bài thuyết trình đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước. VSOE 2018 mong muốn tập hợp và trao đổi các kiến thức và kinh nghiệm hiện nay về các phát kiến về công nghệ và công trình Biển, các giải pháp công trình và nền tảng an toàn hơn với hiệu suất kinh tế cao hơn, và các công tác quản lý rủi ro, tổn thương, thiên tai và bảo vệ môi trường.